Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có những thuật ngữ đặc trưng riêng và thiết kế Website cũng vậy. Cho dù bạn muốn xây dựng trang Web bán hàng, quảng bá thương hiệu, blog cá nhân, làm việc cùng các nhà thiết kế Web hay đơn giản chỉ là muốn tìm hiểu về lĩnh vực này thì việc nắm được các thuật ngữ trong thiết kế Web đều cần thiết.
Hy vọng với 11 thuật ngữ trong thiết kế Web cơ bản thông dụng dưới đây các bạn sẽ có thêm phần nào hiểu biết về lĩnh vực rộng lớn này.
1. Breakpoints
Breakpoints là những điểm, phạm vi giới hạn mà tại đó nội dung và thiết kế của trang Web sẽ được điều chỉnh để phù hợp với các kích thước màn hình khác nhau. Từ đó mang đến cho người dùng những bố cục tốt nhất, có thể xem trên mọi thiết bị. Trong Responsive Desgin các điểm Breakpoints thường được xác định theo chiều rộng màn hình của thiết bị, chẳng hạn như smartphone, tablet và desktops trên 1024px.
2. CSS
CSS (viết tắt của Cascading Style Sheets) là ngôn ngữ tạo phong cách cho trang web, được sử dụng để tìm và định dạng cho các phần tử được tạo ra bởi ngôn ngữ đánh dấu HTML. Có thể hiểu đơn giản, nếu HTML định dạng các phần tử trên trang Web như đoạn văn bản, tiêu đề, bảng thì CSS có vai trò thêm phong cách vào các phần tử HTML đó như màu sắc, cỡ chữ, font chữ, bố cục, màu nền, vị trí…
Phương thức hoạt động của CSS dựa trên vùng chọn, tức nó sẽ tìm các tên thẻ HTML, tên ID, class,… và áp dụng các thuộc tính cần thay đổi lên các vùng chọn này.
3. Content Management System (CMS)
Content Management System (CMS) là hệ thống quản trị nội dung được sử dụng để chỉnh sửa nội dung trên trang web. Điều này cho phép bạn đăng nhập vào “back end” của trang web để chỉnh sửa văn bản và hình ảnh. Ví dụ như WordPress và Drupal, CMS được thiết kế để đơn giản hóa việc xuất bản nội dung trang Web mà không yêu cầu bạn phải có kiến thức kỹ thuật về code.
4. DNS
DNS (viết tắt của Domain Name System), tạm dịch là hệ thống phân giải tên miền, dùng để chỉ một hệ thống cho phép thiết lập tương ứng giữa địa chỉ IP và tên miền, tức nó sẽ chuyển đổi tên miền Website sang một địa chỉ IP dạng số tương ứng. Có thể hiểu đơn giản DNS giống như danh bạ điện thoại phiên bản Internet với vai trò kiểm soát tên miền trang Web, khi người dùng truy cập địa chỉ trang Web của bạn, cài đặt DNS sẽ kiểm soát máy chủ nào sẽ trỏ đến họ.
5. HTML
HTML (viết tắt của HyperText Markup Language), tạm dịch là ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản, được dùng để xây dựng và cấu trúc lại các thành phần trong Website, phân chia các đoạn văn, heading, links, blockqoutes,… HTML không phải ngôn ngữ lập trình, do đó nó không thể thực hiện các chức năng “động” mà chỉ có thể bố cục và định dạng trang Web, tương tự như Microsoft Word.
Một tài liệu HTML được hình thành bởi các phần tử HTML. Mỗi phần tử được quy định bởi 1 cặp thẻ (tags và attributes). Mỗi cặp thẻ lại được bao bọc bởi dấu ngoặc nhọn (như <header>, <footer>) và được khai báo bằng một cặp bao gồm thẻ mở, thẻ đóng.
Ví dụ: Bạn có thể tạo một đoạn văn bản bằng cách đặt văn bản trong cặp tag mở văn bản <p> và đóng văn bản </p>.
6. Information Architecture (IA)
Information Architecture hay kiến trúc thông tin là kỹ thuật về tổ chức và cấu trúc nội dung của Website, cho phép người dùng biết được họ đang ở đâu và những thông tin họ cần dựa vào vị trí hiện tại. IA thường bao gồm sơ đồ trang web (sitemap), khung xương (wireframes) cho mỗi trang Web hoặc bất cứ ký hiệu cần thiết có liên quan đến điều hướng, nội dung và các tính năng sẽ được đưa vào trang Web.
7. Responsive design
Trong những năm gần đây, Responsive desgin hay thiết kế đáp ứng đã trở thành một xu hướng trong thiết kế Website. Responsive Design là cách thiết kế Website với giao diện, bố cục đẹp với độ hiển thị nội dung co giãn phù hợp trên tất cả các màn hình thiết bị như desktop, laptop, tablet, smartphone, với mọi độ phân giải màn hình, giúp nội dung luôn được hiển thị nhất quán thẩm mỹ trên mọi chế độ phân giải.
Responsive Design được tạo nên từ 3 thành phần cơ bản bao gồm:
- Flexible Grid-based layout
- Media Queries
- Flexible Media
8. JavaScript
JavaScript là ngôn ngữ lập trình Website được tích hợp và nhúng vào HTML giúp Website trở nên sống động hơn. Nếu HTML thêm nội dung và CSS định dạng cấu trúc, phong cách cho Website thì JavaScript bổ sung các yếu tố tương tác, giúp trang Web thu hút người dùng hơn. Một số ví dụ về JavaScript như thanh tìm kiếm, video nhúng, slideshow, pop-up quảng cáo hay tính năng Autocomplete của Google.
JavaScript hỗ trợ hầu hết các trình duyệt như Chrome, FireFox hay thậm chí là các trình duyệt trên thiết bị di động.
9. SSL Certificate
SSL (viết tắt của Secure Sockets Layer) là giao thức bảo mật tiêu chuẩn cần thiết để thiết lập giao tiếp được mã hoá giữa máy chủ Web server và trình duyệt. Khi một trang Web có chứng chỉ SSL, HTTPS (Giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật) sẽ xuất hiện trong URL và trang web sẽ hiển thị “kết nối an toàn”. Bạn có thể xem chi tiết chứng chỉ SSL bằng cách nhấp vào biểu tượng ổ khóa bên cạnh URL trên thanh trình duyệt.
10. User experience (UX)
User experience (UX) hay trải nghiệm người dùng là trải nghiệm tổng thể của người dùng với một hệ thống, có thể là một Website hay ứng dụng cụ thể. UX không chỉ bao gồm việc sử dụng các tính năng mà còn bao gồm cả những khía cạnh khác như kinh nghiệm, cảm xúc, giá trị nhận được khi tương tác với trang web đó. Mọi khía cạnh của quá trình thiết kế, phát triển Web như nội dung, giao diện,… đều ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
11. Wireframe
Wireframe (Cấu trúc dây hay khung xương) chính là công cụ hỗ trợ thiết kế giao diện và hoàn thiện cấu trúc của Website. Thực chất nó là một bản nháp về cấu trúc của một Website hoặc ứng dụng trong UI/ UX. Wireframe mang đến cái nhìn trực quan hơn về Website bằng cách nhấn mạnh phác thảo các cấu trúc chính, các yếu tố then chốt cần có trong giao diện.
Xem thêm: