Quấy rối tình dục không còn là cụm từ quá xa lạ với mỗi cá nhân mà đã trở thành vấn đề của toàn xã hội. Đặc biệt ở chốn công sở lại càng là những vấn đề nóng, báo cáo nghiên cứu về QRTD (quấy rối tình dục) tại nơi làm việc ở Việt Nam của bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội cho thấy nạn nhân của hành vi này thường là nữ (78.2%). Những người bị quấy rối tình dục thường không bị quấy rối chỉ bằng các hình thức như tiếp xúc thân thể, sờ mó mà còn bằng lời nói. Rất nhiều người đã từng bị quấy rối ở những mức độ khác nhau nhưng phần lớn đều chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý sợ hãi, mặc cảm xấu hổ. Đặc biệt với văn hóa Á Đông, vấn đề QRTD thường đc coi là nhạy cảm để công khai thảo luận, các nạn nhân sẽ vấp phải nhiều định kiến, thậm chí nhiều người còn có tâm lý đổ lỗi ngược lại cho nạn nhân. Vậy chế tài nào cho hành vi quấy rối tình dục nơi công sở?
Tuy trực tiếp ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc, gây ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần của nạn nhân nghiêm trọng… Trong khi tại nhiều quốc gia trên thế giới, hành vi quấy rối tình dục nơi công sở đã được đưa vào các văn bản pháp luật và có chế tài rõ ràng thì ở Việt Nam, hành vi QRTD vẫn chưa được nhận diện đầy đủ, thậm chí chưa có trường hợp QRTD nào bị xử phạt hoặc bị đưa ra tòa. chưa có biện pháp phòng chống và xử lý mang tính răn đe hiệu quả. Trong Bộ luật Lao động 2012 có một số điều khoản quy định về QRTD như Điều 8 quy định cấm “ngược đãi người lao động, QRTD tại nơi làm việc” hay Điều 37 quy định người lao động bị QRTD có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên những quy định như vậy là quá chung chung khiến người lao động không thể xác định trường hợp mình đã là QRTD hay chưa? Ngoài ra việc thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng cũng khiến cho những cơ quan tư pháp khó có thể buộc tội và xử phạt.
Ngày 25/5/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã công bố “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, việc công bố Bộ quy tắc được coi là đưa ra nguồn tham khảo, hướng dẫn cách ứng xử để các doanh nghiệp đưa vào áp dụng.
Theo Bộ quy tắc, các hình thức quấy rối tình dục gồm có:
– Hành vi quấy rối thể chất (như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm…)
– Hành vi quấy rối bằng lời nói (như nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục..)
– Hành vi quấy rối phi lời nói (như việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu, văn hóa phẩm khiêu dâm…)
Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc đã giải quyết được phần nào việc “định nghĩa” – “định vị” hành vi QRTD.
Câu chuyện phòng, chống QRTD vẫn là việc của mỗi người. Đừng vì sợ hãi mà im lặng, đừng bấn bụng cho qua, hãy lên tiếng, mạnh dạn tố cáo, đấu tranh vì một môi trường làm việc văn minh.
Thái độ im lặng càng khiến các “yêu râu xanh” hiểu sai rằng đó là sự đồng tình mà hành động lấn tới. Tuy nhiên thay vì hành động lỗ mãng, người bị hại nên chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ như hình ảnh, file ghi âm, video, hoặc nếu nặng hơn bị xâm hại, nên đi giám định tổn thương và lưu giữ hồ sơ, để chuyển cho các cơ quan chức năng. Với những bằng chứng không thể chối cãi này những “yêu râu xanh” sẽ bị xử lý theo pháp luật :
– Xử lý vi phạm hành chính :
- Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
– Bên cạnh đó nếu hành vi quấy rối được xác định là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 05 năm.
Gia đình và bản thân nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi công sở hoàn toàn có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an nơi tội phạm đã được thực hiện hoặc cơ quan công an nơi nạn nhân cư trú.
>>>Xem thêm: 14 Điều người lao động cần biết để tự bảo vệ mình