Chúng ta thường nghe nói về luật sở hữu trí tuệ (SHTT), nhưng không phải ai cũng có thể biết cụ thể, cặn kẽ về luật để tránh được những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hệ quả dẫn đến nhiều cá nhân, tổ chức vô tình (hoặc cố ý) xây dựng lên thương hiệu, nhãn hiệu… gần giống với một thương hiệu, nhãn hiệu khác.
1. Sở hữu trí tuệ là gì? Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những gì?
Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là bất cứ thứ gì từ các tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính đến các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v… Trong đó, quyền SHTT bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Bài viết này chúng ta sẽ đề cập đến quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là kiểu dáng công nghiệp (KDCN), nhãn hiệu, tên thương mại vì đó là những hành vi xâm phạm thường gặp trên thị trường.
2. Hành vi vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp thường gặp
Kiểu dáng công nghiệp (KDCN): theo Khoản 12 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, KDCN là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Trên thị trường, KDCN bị xâm phạm dễ thấy nhất là trong ngành thời trang. Sản phẩm công nghệ cũng là một trong những đối tượng hay bị nhái. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, đối với trường hợp đưa hàng hóa vào một nước thì phải xem KDCN đó đã được đăng ký bảo hộ tại nước đó chưa. Nếu KDCN không được đăng ký bảo hộ tại nước đó thì có thể xuất khẩu sản phẩm mà không gặp rắc rối gì về mặt pháp lý liên quan đến quyền (Sở hữu công nghiệp) SHCN.
Nhãn hiệu: theo Khoản 16 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt các loại hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh (kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó) được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Nói một cách đơn giản, nhãn hiệu có thể hình ảnh chứa tên sản phẩm, logo công ty và khẩu hiệu của công ty.
Tên thương mại: theo Khoản 16 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.
Vậy kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại thường bị xâm phạm như thế nào?
Vụ kiện liên quan đến việc vi phạm tên thương mại đình đám giữa tập đoàn Vincom và công ty Vicoland (tên cũ là Vincon). Phòng Đăng ký kinh doanh số 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã ra Thông báo số 02/TP-ĐKKD2, yêu cầu Công ty Cổ phần Tài chính và Bất động sản Vincon (Vincon) làm thủ tục đổi tên doanh nghiệp.
Vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (Acecook) và bị đơn là Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods). VinaAcecook phát hiện sản phẩm mì gói Hảo Hạng của Asia Foods có kiểu dáng thiết kế bao bì tương đồng sản phẩm mì gói Hảo Hảo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Sau đó, Acecook gửi công văn khuyến cáo Asia Foods về hành vi vi phạm nhãn hiệu. Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) đã đồng ý sẽ ngưng sản xuất mì Hảo Hạng.
3. Cơ sở pháp lý
Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009;
Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan do Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 02 năm 2018.
4. Mức phạt khi xâm phạm tới quyền sở hữu trí tuệ
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, các hành vi xâm phạm tới quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ;
Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Theo điều 2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP hành vi vi phạm quy định về quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp; hoặc xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, mức phạt đối với cá nhân là 250 triệu đồng, với tổ chức tối đa là 500 triệu đồng.